Tất cả hồ sơ nộp vào trường (trực tiếp hoặc qua chuyển fax nhanh) trong thời gian xét tuyển (mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày) đều có giá trị xét tuyển như nhau, không phân biệt nộp trước hay sau. Nguyên tắc xét tuyển của các trường ĐH là xét tuyển điểm của thí sinh (bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng nếu có) từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu cần tuyển. Sau khi kết thúc thời gian nộp hồ sơ, trường sẽ tổng hợp hồ sơ và bắt đầu xét tuyển từ cao xuống thấp. Căn cứ để xét tuyển là điểm số của thí sinh chứ không phải thí sinh nộp hồ sơ trước hay sau. Do đó, dù bạn nộp hồ sơ sau những thí sinh khác nhưng điểm số nằm trong ngưỡng điểm tuyển của trường thì bạn vẫn trúng tuyển.
Cho em hỏi xét tuyển ĐH bằng học bạ thì đó có tính là một trong bốn nguyện vọng không? Chẳng hạn em nộp NV1 vào Trường ĐH Bách khoa thì còn được nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào trường khác trong thời gian xét tuyển NV1 không? Nếu được thì có bị giới hạn bao nhiêu trường? Nếu một trường vừa xét kết quả thi THPT quốc gia vừa xét học bạ thì em có thể vừa nộp phiếu đăng ký NV1 vừa nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào trường đó không? (B.Đ.)
Học bạ là hình thức tuyển sinh riêng của mỗi trường đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Do vậy, việc xét tuyển bằng học bạ không tính là một trong bốn nguyện vọng của hình thức xét tuyển bằng kết quả THPT quốc gia. Chẳng hạn, bạn có thể dùng giấy chứng nhận kết quả (phiếu số 1) để nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa vừa nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào một trường ĐH khác trong cùng thời điểm.
Đối với việc xét tuyển học bạ, hầu hết trường chỉ yêu cầu photo công chứng học bạ, không yêu cầu nộp bản gốc nên bạn có thể cùng lúc nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường, không bị hạn chế. Do vậy, thí sinh vừa có thể xét tuyển bằng kết quả THPT quốc gia vừa xét tuyển bằng học bạ vào cùng một trường.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 - Ảnh – Minh Giảng |
Khi thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, thí sinh ở KV1 có được cộng 1,5 điểm ưu tiên vào điểm xét tuyển đại học hay không? Ưu tiên khu vực xác định thế nào? (Vũ Bá Trân)
Chào bạn. Mặc dù năm nay có nhiều thay đổi về cách thi tuyển sinh nhưng chính sách ưu tiên khu vực khi xét tuyển ĐH, CĐ vẫn như các năm trước đây. Nếu bạn học và tốt nghiệp tại KV1 theo quy định thì được ưu tiên 1,5 điểm khi xét tuyển ĐH. Thí sinh thuộc KV1 được ưu tiên 1,5 điểm, KV2-NT 1 điểm, KV2 0,5 điểm và HSPT-KV3 không được hưởng điểm ưu tiên khu vực. Cách xác định khu vực ưu tiên như sau: thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong ba năm học trung học có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Tuy nhiên, có một số đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú. Bao gồm: học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh các trường, lớp dự bị ĐH; học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc UBND cấp tỉnh. Học sinh có hộ khẩu thường trú tại: các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 nếu học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên.
Quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận